Soạn giả Hoàng Song Việt: Trên vai người làm nghệ thuật có trọng trách định hướng khán giả

Thứ bảy - 06/04/2024 12:24
Trong loạt cải lương tuồng cổ sắp ra mắt, Người ven đô của sân khấu Đại Việt là vở cải lương đề tài cách mạng duy nhất. “Ông bầu” của Đại Việt - soạn giả Hoàng Song Việt - đã chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM về dự án tâm huyết này.
VML-HT
VML-HT

Phóng viên: Sau Chuyện tình Khau Vai, Nàng Xê Đa, Đêm trước ngày hoàng đạo, Truyền thuyết chàng Sa Mộc và Cô đào hát khai thác đề tài lịch sử, văn hóa thì đây là lần đầu sân khấu Đại Việt dựng tuồng đề tài cách mạng. Có vẻ ông và sân khấu Đại Việt không ngại làm việc khó?

Soạn giả Hoàng Song Việt: Tôi biết mình chọn đường đi khó nhưng tôi chấp nhận. Trên vai người làm nghệ thuật có trọng trách định hướng khán giả. Sân khấu cũng cần đa dạng, nếu chỉ làm giải trí thì đâu còn thực hiện được chức năng định hướng hay làm điều tốt đẹp cho cuộc sống bằng những thông điệp nghiêm túc.

Riêng lần này, có thêm vài điều thôi thúc. Người ven đô là tác phẩm tôi đã ấp ủ trong nhiều năm nhưng chưa làm được. Nhân hướng đến kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (1975-2025), nhiều tác phẩm đề tài truyền thống cách mạng được tái dựng. Tôi vừa rất ngạc nhiên khi thấy vở này vẫn chưa ai đụng tới vừa mừng vì mình còn nguyên cơ hội thực hiện.

Quan trọng nhất là tôi muốn các nghệ sĩ trẻ chạm tới những vai diễn khó, như tiêu chí của sân khấu Đại Việt từ trước đến nay. Đặc biệt là vừa qua, một số bạn cộng tác với sân khấu Đại Việt đã được Nhà nước phong tặng các danh hiệu như Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Phượng Loan, Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Võ Minh Lâm, NSƯT Trọng Nghĩa, NSƯT Bảo Trí… Tôi muốn sẵn dịp này, để các bạn thể hiện được ý thức trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với cộng đồng, xã hội.

Lúc đầu, tôi định sang năm mới làm, cho tròn 50 năm ngày thống nhất. Nhưng nghĩ lại, vẫn nên có một vở diễn hoàn toàn mới cho dịp ý nghĩa như thế. Tác phẩm này như món quà chuẩn bị cho cột mốc năm tới.

* Ông có áp lực không khi bản dựng Người ven đô trên sân khấu đoàn Sài Gòn 1 với cố NSND Út Trà Ôn, cố NSƯT Út Bạch Lan, cố nghệ sĩ Thành Được, nghệ sĩ Phượng Liên… đã quá kinh điển?

- Không có áp lực. Tôi coi đây như bài học cho các diễn viên trẻ. Họ phải thể hiện hết mình để chiếm được cảm tình của công chúng. Chưa kể, tôi đã theo đuổi kịch bản này hơn 40 năm rồi, từ hồi mới coi vở ở đoàn Sài Gòn 1 và chưa bao giờ ngừng yêu nó. 

Đến nay, tôi cảm thấy thời điểm đã chín muồi nên quyết tâm làm Người ven đô. Cho nên, khi gặp gỡ toàn bộ ê kíp, tôi chỉ nói 1 câu: “Tôi mong mọi người hãy bàn với tôi bằng cách nào để thực hiện tốt nhất vở diễn chứ đừng bàn ra”. Tôi biết, bao giờ cũng có những âm thanh ngược chiều, kiểu: “Làm tuồng cách mạng không bán vé được đâu”. Tôi không muốn nghe điều đó trong dự án này.

Từ vở Nàng Xê Đa, NSƯT Lê Hồng Thắm và NSƯT Võ Minh Lâm tiếp tục cộng tác với sân khấu Đại Việt trong vở Người ven đô
Từ vở Nàng Xê Đa, NSƯT Lê Hồng Thắm và NSƯT Võ Minh Lâm tiếp tục cộng tác với sân khấu Đại Việt trong vở Người ven đô

* Ông kỳ vọng điều gì?

- Tôi đặc biệt yêu thích Người ven đô vì là câu chuyện có thật về những hy sinh của đồng bào ta ở 18 thôn vườn trầu. Cùng cấu trúc kịch bản, hình tượng nhân vật, tình tiết kịch đều rất hay. Phần không thể bỏ qua là màn trình diễn của cậu Mười Út Trà Ôn, má Út Bạch Lan, ba Thành Được… được xem là đỉnh điểm của tài năng.

Dựng lại Người ven đô, tôi kỳ vọng các bạn trẻ dù hiện tại không được như người xưa thì phải có ý hướng tới như vậy. Đến lúc chín muồi, các bạn cũng phải diễn được những vai với tình cảm, với thần thái như những người đi trước đã từng. Nếu không nói, không nhắc thì các bạn sẽ say sưa trong những nhân vật mới mà quên đi những vai diễn thử thách người nghệ sĩ như thế này.

Vở cải lương Người ven đô (kịch bản: Minh Khoa, chuyển thể cải lương: Nguyễn Gia Nghiệm, đạo diễn: NSƯT Hoa Hạ) có sự góp mặt của: NSND Phượng Loan, NSND Hoa Phượng, NSƯT Lê Tứ, NSƯT Lê Hồng Thắm, NSƯT Võ Minh Lâm, NSƯT Trọng Nghĩa, NSƯT Bảo Trí… sẽ công diễn tại nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (quận 1, TPHCM) vào tối 27/4

Còn một điều nữa. Tôi có cảm giác, nhiều tác phẩm nghệ thuật của chúng ta hôm nay dường như chưa đánh động được tình yêu quê hương đất nước thông qua những chương lịch sử cận đại mà thường lấy cảm xúc từ những trang sử cổ đại, ở thời vua chúa. Có thể do cách làm của chúng ta chưa làm người xem rung động, tới lễ thì làm rồi đem cất, nên người ta không quan tâm.

Tôi mong những người bước chân vào khán phòng xem Người ven đô sẽ cảm thấy được ôn lại một giai đoạn không thể quên của đất nước, cảm nhận một điều gì đó và sống có trách nhiệm hơn.

* Xin cảm ơn ông. 

 
Ninh Lộc
 (thực hiện)

Nguồn tin: tcgd theo PNO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Thăm dò ý kiến

Các bạn thích nghe hay xem cổ nhạc thể loại nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây