Minh Chí cũng đã từng cùng với Việt Hùng thành lập đoàn hát mang tên hai người, một đoàn hát có tầm vóc lớn của thời bấy giờ. Thế nhưng, những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, Minh Chí cũng không tránh khỏi cảnh nghèo nàn khốn khó như hằng bao danh ca nghệ sĩ khác, và đa số mang bệnh trầm kha một thời gian trước khi về với Tổ nghiệp cải lương. Ngược dòng thời gian trở về những năm 1949-1950, lúc mà máy hát quay dây thiều được coi như là phương tiện tốt để đem lời ca tiếng hát đến với mọi người hâm mộ, dù rằng ở tận nơi thôn quê hẻo lánh nào. Những ai mà vào thời ấy biết thưởng thức cổ nhạc, chắc không quên được các bộ dĩa với tiếng ca Minh Chí như các dĩa Anh Hùng Liệt Nữ, Phất Cờ Ðộc Lập, Ðường Về Tổ Quốc, Máu Thấm Tần Hoàng Ðảo, v.v... đó là các dĩa mang nhãn hiệu Việt Nam của bà Sáu Liên. Và những dĩa khác do hãng Asia phát hành cũng với tiếng ca Minh Chí như: Nguyệt Thu Nga, Nguyễn Thái Học, Non Tình Bể Hận, Kiều Oanh Công Chúa. Những dĩa hát nói trên đem tiếng ca Minh Chí gần gũi với người hâm mộ từ thành thị đến thôn quê, do đó mà tiếng ca Minh Chí đi đâu cũng nghe. Ở bên đò, bến xe, ngoài ruộng rẫy, trên kinh rạch cũng nghe. Thời bấy giờ có một số các quán tiệm cà phê hủ tiếu ở nông thôn mà người chủ có bề thế chút đỉnh là họ không ngần ngại bỏ tiền ra mua giàn máy hát quây dây thiều thì tự nhiên thiên hạ tập trung đến tiệm mà không cần phải quảng cáo mời gọi chi hết. Tóm lại nhờ dĩa hát phổ biến rộng rãi cùng khắp mà thiên hạ quen thuộc với tiếng ca Minh Chí, và điều ấy rất có lợi cho sau này khi Minh Chí hợp tác với Việt Hùng thành lập gánh hát. Thời gian hát ở đoàn Kim Chưởng, trong vở tuồng “Anh Hùng Lạn Tương Như,” Minh Chí đóng vai Lạn Tương Như, khi lãnh sứ mạng đem viên ngọc bích của nước Triệu dâng cho vua Tần để đổi lấy đất Bái. Tần Thủy Hoàng ỷ mình nước lớn muốn chiếm đoạt viên ngọc mà không giao đất Bái. Thế là Lạn Tương Như (Minh Chí) giựt viên ngọc và mắng nhiếc vua Tần bằng lời ca vô bản Xàng Xê với lời văn “Khoan! Nếu như Tần Vương toan dùng bạo lực cưỡng đoạt ngọc Bích Quan, thì đây là viên ngọc của Triệu Bang, Tương Như thề đập cho nát cho tan rồi mới chịu chết oan dưới lưỡi gươm linh của bạo chúa Thủy Hoàng. Tôi đã ra đi là vì thanh danh phẩm giá. Tôi đến đây là vì quốc gia, vì sứ mạng... Kể từ đó Minh Chí được khán giả, người đời tặng cho biệt danh “Vua Xàng Xê” cũng giống như Út Trà Ôn là “Vua Vọng Cổ” vậy. Với nghiệp cầm ca cuộc đời lên hương như thế, nhưng thuở thiếu thời rất nghèo khổ phải đi làm nghề mổ bò, mần heo ở lò heo Chánh Hưng. Vừa hành nghề vừa đi ca tài tử, được một thời gian thì giọng ca được nhiều người chú ý, được giới thiệu ca ở đài phát thanh, và hãng dĩa hát Việt Nam mời thu dĩa thường xuyên. Thế là nhờ làn hơi ca Thiên phú mà từ một anh đồ tể ở lò heo Chánh Hưng, Minh Chí đã trở thành danh ca nổi tiếng vang lừng khắp xứ. Thời gian Minh Chí làm kép chánh ở gánh Hương Hoa thì đào Ánh Hoa mới 15 tuổi đã phải lòng Minh Chí, rồi cùng anh xây tổ uyên ương dẫu rằng cô nhỏ hơn chàng đến những 17 tuổi, và Minh Chí lúc ấy cũng đã có vợ con. Cuộc tình duyên này đã gây sôi nổi dư luận một dạo, làm rùm beng trong làng cải lương, và nghe nói thân phụ Ánh Hoa là nghệ sĩ Văn Danh có đưa Minh Chí ra tòa về tội dụ dỗ gái vị thành niên. Nhưng rồi mọi chuyện cũng êm xuôi, Ánh Hoa và Minh Chí trở thành vợ chồng chung sống với nhau luôn. Khoảng 1956 gánh hát Việt Hùng-Minh Chí ra đời, và chỉ oanh liệt trong một thời gian ngắn, rồi xuống dốc mau lẹ, chỉ hơn một năm thì nội bộ lủng củng đưa đến rã gánh. Không biết do bất mãn điều chi mà sau khi rã gánh thì hai anh kép này lại chẳng thèm ngó mặt nhau. Sau ngày rã gánh, Minh Chí nhờ có giọng ca hay nên được đoàn Kim Chưởng mời về nhận vai chánh. Sau 1975 Minh Chí còn tiếp tục hát ở sân khấu Trần Hữu Trang được 10 năm, và đoàn Huỳnh Long 2 năm rồi nghỉ nghề luôn, về sống ở xóm lao động phía bên kia cầu Chữ Y, hằng ngày phụ giúp Ánh Hoa bán cơm tấm ở dạ cầu Chữ Y gần nhà. Năm 1992 đào Ánh Hoa đang bán cơm tấm thì được đạo diễn Trần Anh Hùng tuyển chọn đóng vai Bà Ti trong phim “Mùi Ðu Ðủ Xanh”. Thế là Ánh Hoa tạm ngưng gánh cơm tấm, đi Pháp đóng phim 2 tháng. Nhờ đó mà đỡ khổ được một thời gian thôi, chớ nắng hạn lâu ngày, chỉ một cơn mưa rào thì đâu có giải quyết được cuộc sống khó khăn. Rồi do chứng bệnh xơ gan cổ trướng hiểm nghèo, Minh Chí qua đời năm 1995 để lại cho đời những bài ca trong dĩa hát được một số người mến mộ lưu lại. |
Nghệ sĩ lão thành Ánh Hoa bán căn nhà dưới chân cầu Chữ Y, quận 8, TP HCM để dọn về làm hàng xóm với NSƯT Phương Quang. Bề bộn công việc, bà vẫn nhận lịch đi quay, đi diễn và tâm đắc với phương châm: “Hãy sống chậm lại! Nghĩ những điều vui, không u phiền... Dùng tình người sưởi ấm tâm hồn nhiều người khác”.
Nữ nghệ sĩ này cho biết đóng vai già từ năm 16 tuổi và đến nay đã có gần 200 vai lão do bà thủ diễn. Hạnh phúc và tự hào vì "vốn liếng" kha khá của mình, bà nói không thấy buồn phiền gì khi bị giao vai già, bởi dường như đây là duyên là nợ với nghề.
Nghệ sĩ Ánh Hoa trải lòng rằng sống đủ lâu để cảm nhận cuộc sống. Giữa cõi đời muôn màu bà chỉ sợ mất niềm tin vào những điều tốt đẹp. May thay, bà vẫn còn cảm xúc trước những nghịch cảnh, những mảnh đời bất hạnh giữa chốn đô thị xô bồ, còn chỗ để trút tâm sự vào những vai diễn trên phim, sân khấu... Bà kể có lần đi xe ôm đến trường quay ở quận 9, TP HCM, khi xe dừng trước đèn đỏ, bà nhìn thấy đứa trẻ đen đúa, tay cầm xấp vé số chìa trước mặt:"Bà ơi mua giùm con, con đói quá!". Giọng nói của cậu bé làm tim bà thắt lại, mua 10 tờ dẫu trước nay không thích chơi vé số.
Bức chân dung nghệ sĩ Minh Chí – người có biệt danh “Vua xàng xê”, chồng bà đã hoen ố theo thời gian nhưng vẫn được treo ở một góc trang trọng trong phòng khách. Ông ra đi gần 20 năm, bà vẫn ở vậy! Có lúc sàn diễn ế ẩm, bà bán cơm tấm ở dưới chân cầu chữ Y để sống qua ngày, chờ sàn diễn sáng đèn lại quay về với khán giả. Với ông, bà là một học trò, một tri kỷ.
Nhắc về ông, bà kể: “Lúc sinh thời ông nhà tôi thích trồng hoa phong lan. Ông nói loài hoa này chịu nhiều chông gai nhất, vì thân nó cằn cỗi nhưng khi đơm hoa lại tuyệt đẹp. Ví như con người chịu cực nhọc sẽ đạt thành tựu rực rỡ. Ông nhà tôi chăm chỉ làm việc, lao động nghệ thuật đúng nghĩa, nên được khán giả thương”.
Nghệ sĩ Ánh Hoa và NSND Bạch Tuyết trong vở Kiều Nguyệt Nga
50 năm chuyên đóng vai già, nghệ sĩ Ánh Hoa từng nhiều lần đưa cuộc sống vào vai diễn và có thói quen quan sát những chuyển động xung quanh mình. Là nghệ sĩ, trái tim mẫn cảm phải đau cái đau của nhân loại. Bà nói mình cũng có những đứa cháu, biết đâu nó cũng cần những bài học từ việc làm nho nhỏ của niềm tin.
Bà chia sẻ người nghệ sĩ về chiều có nhiều cảm xúc khó tả nhưng bà không sợ đối diện với những được – mất trong đời. Bởi dù đã sẵn sàng hay chưa, một ngày kia, chúng ta cũng phải chia tay thế giới này. Tiền bạc, danh vọng, quyền lực,… tất cả trở thành vô nghĩa. Còn ý nghĩa chăng là những gì ta tạo ra đối với thế giới này. Vậy điều gì là thật sự quan trọng lưu lại dấu ấn của ta trong cuộc sống là gì?
"Theo tôi, điều quan trọng không phải là những thứ bạn mang theo bên mình mà là những gì bạn đóng góp cho đời. Hồi đó khi sân khấu khó khăn, tôi buộc phải gánh cơm tấm ra cầu chữ Y để bán. Cứ ngỡ sẽ khó mà sống nổi nhưng rồi cũng quen, vì mỗi ngày mấy ông xe ôm, xe ba gác, chị bán xôi tích cực ủng hộ, mà hôm nào tôi nghỉ họ lại nhớ. Vậy đó, đóng góp một chút thôi, cũng thấy mình hạnh phúc. Theo tôi, quan trọng không phải là những thứ bạn nhận được, mà là những gì bạn đã cho đi. Quan trọng không phải là những thành công bạn đã có được trong đời, mà là ý nghĩa thật sự của chúng” - nghệ sĩ Ánh Hoa kể.
Nghệ sĩ Ánh Hoa và NSND Bạch Tuyết, NSƯT Thanh Sang, NS Thanh Phú trong vở Kiều Nguyệt Nga (chương trình Làn điệu phương Nam tại Nhà hát TP)
Vai lão bà trong vở Kiều Nguyệt Nga - vai diễn nổi tiếng của nghệ sĩ Ánh Hoa
Không chỉ tâm sự về nghề, cuộc sống, nữ nghệ sĩ này cũng nói nhiều về bí quyết sống khỏe tuổi xế chiều. Bà không ăn mỡ, ăn mặn, mỗi sáng đi bộ 8 vòng... và tâm nguyện luôn sống thanh thản, khi lòng cảm thấy đủ cuộc sống sẽ đủ.
Nghệ sĩ Ánh Hoa
Nghệ sĩ Ánh Hoa xuất thân từ gia đình hát bội, bà là con của nghệ sĩ cải lương Văn Danh - Ánh Nguyệt cùng thời với Kim Chưởng, Thúy Nga. Bà được sinh bà ra ở một bãi hát tại Bến Tre, ngay trong đoàn Tỷ Phượng. Thế là mới 7 tuổi, Ánh Hoa lên sân khấu, nổi tiếng với vai Na Tra. Rồi bà lấy chồng là kép Minh Chí cũng nổi tiếng một thời với NSND Út Trà Ôn, đặc biệt với kiểu ca rất hay trong bài bản xàng xê, nên được mệnh danh là “vua xàng xê”.
Hai vợ chồng lại tiếp tục sống đời gạo chợ nước sông, cho tới năm 1976 thì về đoàn Trần Hữu Trang. Ở đây, bà có những vai rất hay như nhũ mẫu trong Dương Vân Nga, bà mẹ trong Kiều Nguyệt Nga…Bà nổi tiếng chuyên đóng những vai bà mẹ trên phim, từ video ca nhạc cho đến cải lương, minh họa cho các tiểu phẩm kịch. Khi đoàn làm phim Người tình của Pháp qua Việt Nam quay, người ta chọn rất nhiều nữ diễn viên đến casting cho vai bà Đô, cuối cùng NS Ánh Hoa lọt mắt xanh đạo diễn. Và đạo diễn Trần Anh Hùng xem phim Người tình, liền giao cho bà vai bà Ty trong phim Mùi đu đủ xanh. Bà được sang Pháp quay ba tháng, tiền thù lao lúc đó rất cao. Sau này bà còn tham gia Sài Gòn nhật thực cũng do Pháp sản xuất. Bà còn để lại nhiều dấu ấn qua các bộ phim: Người đẹp Tây Đô, Đồng tiền xương máu, Đất phương Nam, Xóm nước đen, Hải Nguyệt, Giao thời, Giã từ dĩ vãng, Người Bình Xuyên, Mùa len trâu...
Bài và ảnh: Thanh Hiệp
Nguồn tin: tcgd theo NV: - NLĐ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn