* Phóng viên: Điều gì khiến ông say mê sáng tác kịch lịch sử, trong khi nhiều tác giả hiện nay chuộng đề tài hiện đại?
- Tác giả Lê Duy Hạnh: Theo tôi, lịch sử hay hiện đại đều hấp dẫn miễn nội dung bảo đảm giá trị tư tưởng, thẩm mỹ và nghệ thuật.
Tôi nhận thấy hai đề tài trên nhìn qua tưởng khác nhau nhưng lại tương tác, hỗ trợ cho nhau. Cụ thể, khi chúng ta sáng tác đề tài đương đại thì phát triển kịch theo đường thẳng, còn sáng tác đề tài lịch sử thì phát triển kịch theo hình parabol. Đường thẳng và đường cong sẽ có lúc gặp nhau và khi đó, tác phẩm sẽ mang đậm hơi thở thời đại.
* Với kinh nghiệm dày dặn về kịch lịch sử, ông đã đúc kết được những “bí quyết” nào trong quá trình sáng tác thể loại này?
- Tôi ít khi sáng tác đề tài lịch sử theo hướng xung đột ta thắng, địch thua. Viết kịch lịch sử dân tộc không chỉ diễn đạt lại những sự kiện có sẵn mà phải khai thác, tạo ra những nhân vật “đắt”. Những nhân vật, chi tiết “đắt” đó đôi khi chỉ xuất hiện rất ngắn nhưng lại chuyển tải được suy nghĩ của con người, xã hội hôm nay.
* Hư cấu là điều không thể thiếu khi viết kịch bản nhưng có bao giờ ông đi quá đà, buộc phải chỉnh sửa, gia giảm để vở diễn ra rạp?
- Tôi không đặt ra tỉ lệ hư cấu bao nhiêu phần trăm trong một kịch bản lịch sử. Quan trọng là giữa yếu tố chân thực, có trong lịch sử và yếu tố hư cấu phải quyện vào nhau.
Tác giả Lê Duy Hạnh. Ảnh: THANH HIỆP
Thường quá trình hư cấu trong kịch bản lịch sử luôn đụng phải trở ngại: Giữa người đúng và người chưa đúng chung quanh câu chuyện đó. Đôi lúc tôi cũng gặp phản ứng từ những hậu duệ đang sống như trường hợp viết kịch bản Hoàng hậu hai vua. Tôi dựa theo sử liệu của nhà sử học Lê Văn Hưu để viết, còn những người phản đối thì dựa theo sử liệu của sử gia Ngô Sĩ Liên.
Ví dụ như hai quan điểm lịch sử khác nhau về hai nhân vật Nguyễn Bặc, Đinh Điền gây loạn, bảo vệ nhà Đinh chống lại việc thái hậu Dương Vân Nga trao quyền cho Lê Hoàn. Ở kịch bản của tác giả khác, quan điểm cho rằng Nguyễn Bặc - Đinh Điền đồng lõa với giặc nhằm củng cố ngai vàng cho nhà Đinh thì quan điểm sáng tác của tôi không khai thác yếu tố này mà nhấn mạnh vai trò của thái hậu Dương Vân Nga khi bà nhận thức mình là “chiếc gạch nối” giữa nhà Đinh và nhà Lê trước vận mệnh của đất nước.
* Để thai nghén một kịch bản, ông mất bao nhiêu thời gian và ông có định ra chu kỳ sáng tác?
- Tôi chiêm nghiệm vấn đề chung quanh một nhân vật lịch sử rất lâu, có khi 10 năm hoặc 20 năm. Kịch bản giải oan cho Nguyễn Trãi trong vở Vua thánh triều Lê, tôi thai nghén từ lúc còn trẻ. Hoặc kịch bản Tâm sự Ngọc Hân tôi chiêm nghiệm từ những câu chuyện kể ở làng quê nơi mình sinh ra, đó là làng Bình An, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Dinh.
Ở hai kịch bản Tâm sự Ngọc Hân và Vua thánh triều Lê, hai đấng minh quân có thể tạo được thế nước, lòng dân chính là Quang Trung và Lê Thánh Tông. Nhìn thấy rõ hướng đi trong sáng tác và bám chặt chủ đề đã hoạch định, lúc đó tôi bắt tay viết và không theo chu kỳ, chỉ khi đề tài đó chín muồi, có được sự chiêm nghiệm sâu sắc tôi mới viết.
* NSƯT Thành Lộc cho biết chính anh và NSƯT Hữu Châu sáng tác thêm phần đối thoại giữa Lê Thánh Tông và Nguyễn Lê (một nhân vật hư cấu trong vở kịch này) trong vở Vua thánh triều Lê. Ông có đồng ý sự thêm thắt này?
- Tôi đồng ý, vì điều này giúp cho đất diễn của nghệ sĩ thăng hoa hơn. Tình tiết thêm vào một minh quân cần nhận lỗi và xin lỗi là sự phát triển lớp kịch đến mức cần thiết để tăng thêm cảm xúc của nghệ sĩ. Kịch bản nào cũng cần đến sự sáng tạo của nhiều thành phần mới ra vở diễn.
* Có người cho rằng ông ngại đụng chạm tiêu cực thời nay nên sáng tác kịch bản lịch sử để “mượn xưa nói nay”?
- Khi viết lên án tiêu cực, tôi rất đau lòng chứ không phải thái độ hả hê, mượn chuyện xưa để phê phán hay ngại đụng chạm gì cả. Nếu ngại tôi đã không có những kịch bản được đánh giá là gai góc, đụng đến nhiều vấn đề nhạy cảm thời mở cửa như trong vở Dốc sương mù (lên án việc một người tài lại bị xét lý lịch khi tham gia sáng tạo nghệ thuật), Dòng sông đầm lầy (một chủ tịch phường tha hóa, bị kỷ luật Đảng)…
Việc thay đổi tư duy, điều chỉnh quan điểm để điều hành đất nước của một minh quân như Lê Thánh Tông lúc nào cũng là vấn đề được quan tâm dù ở bất kỳ thời đại nào. Bài học đó đáng quý cho hậu thế noi theo.
* Nghe nói ông có dự định sáng tác kịch bản sân khấu về nhân vật Tả quân Lê Văn Duyệt?
- Tôi ôm ấp nhiều đề tài, đến thời điểm chín muồi sẽ viết. Ví dụ, kịch bản Vua thánh triều Lê được dàn dựng và đến với công chúng đúng vào thời điểm xã hội quan tâm đến việc chống tham nhũng. Thái độ của người viết kịch bản lịch sử sân khấu phải thiện tâm, có nhân bản. Tôi có nghĩ đến đề tài Tả quân Lê Văn Duyệt nhưng nếu sáng tác tôi sẽ đi vào khai thác khía cạnh mới mẻ hơn những gì lịch sử đã viết về ông.
* Ông có lời khuyên gì cho giới trẻ thích sáng tác kịch bản sân khấu đề tài lịch sử?
- Trước hết, phải nhìn nhận lịch sử với một thái độ hết sức trân trọng. Trong sáng tác, phải nêu bật được tầm quan trọng, cần thiết của vấn đề mình muốn viết cho con người hôm nay.
THANH HIỆP thực hiện