NS Tấn Tài - Phượng Liên
Sinh thời, "ông vua vọng cổ" Viễn Châu từng nói thị trường băng đĩa đem lại tiếng vang lớn cho nhiều nghệ sĩ (NS) tài danh, giúp họ khẳng định tên tuổi, tạo uy tín cho nghề nghiệp khi thị phần băng đĩa giúp họ thu hút thêm lượng khán giả đến rạp. Trong số nhiều danh ca thành công trên thị trường băng đĩa, phải kể đến NS Tấn Tài và Phượng Liên. Nếu NS Tấn Tài được khán giả mộ điệu gọi tên "Hoàng đế đĩa nhựa" thì Phượng Liên được gọi là "Nữ hoàng đĩa nhựa". Họ là cặp đôi vang bóng, đem lại nhiều cảm xúc đối với khán thính giả mê trào lưu sưu tầm đĩa nhựa thời đó.
Soạn giả Nguyễn Phương nhận xét: "Thời trước,sân khấu cải lương đã có một thế hệ NS quá tài giỏi làm nhiệm vụ khai phá như: Bảy Nhiêu, Tư Sạng, Năm Châu, Phùng Há, Bảy Nam, Lư Hòa Nghĩa, Kim Chưởng, Kim Chung, Năm Phồi, Sáu Thoàng, Năm Cần Thơ, Năm Phỉ…. Còn đến thập niên 50 - 60 - 70 của thế kỷ trước, những tên tuổi như Út Trà Ôn, Hữu Phước, Út Bạch Lan, Thành Được, Thanh Nga, Tấn Tài, Phượng Liên, Hùng Cường, Bạch Tuyết, Dũng Thanh Lâm, Thanh Sang, Thanh Hải, Thanh Kim Huệ, Thanh Tuấn, Lệ Thủy, Chí Tâm, Mỹ Châu, Minh Phụng, Minh Vương, Minh Cảnh, Ngọc Giàu, Thanh Thanh Hoa, Diệu Hiền, Ngọc Hương, Ngọc Bích, Thanh Nguyệt, Hồng Nga, Bạch Lê, Văn Hường... đã tạo nên một thế hệ vàng cải lương. Trong số này, nói đến khía cạnh thu âm và tạo cơn sốt trên thị trường băng đĩa thì phải kể đến 2 ngôi sao sáng chói là Tấn Tài và Phượng Liên".
NS Tấn Tài - Phượng Liên (ảnh tư liệu)
Theo soạn giả Nguyễn Phương, Tấn Tài và Phượng Liên thu âm hàng trăm bài vọng cổ, tân cổ giao duyên, kịch bản cải lương, mà cho đến nay vẫn được các thế hệ công chúng yêu thích.
"Cả hai có khả năng thẩm thấu bài ca, truyền vào đó hơi thở và nhịp đập trái tim mình. Các soạn giả thời đó khi giao bài ca cổ cho các hãng dĩa đều ghi yêu cầu phải có Tấn Tài - Phượng Liên ca. Hai người bận túi bụi, hiếm khi có thời gian dành cho bạn bè. Sáng đi tập tuồng, trưa vào thu, tối ra rạp, sau khi vãn hát lại vào phòng thu tiếp, lực làm việc của họ rất đáng nể" – NSND Ngọc Giàu nhắc lại.
NS Tấn Tài sinh năm 1938, tại xã Vĩnh Trạch, huyên Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Xuất thân là một thầy giáo làng, trong gia đình ông không có ai theo nghề diễn viên. Định mệnh sắp đặt nên ông từ bỏ nghề giáo trốn theo gánh hát, mặc cho người mẹ khóc lóc ngăn cản năm ông 21 tuổi.
NS Phượng Liên đoạt HCV triển vọng Thanh Tâm năm 1966
Nhờ làn hơi độc đáo, xuống vọng cổ vuốt nhẹ chữ áp cuối độc đáo, nhẹ nhàng nên Tấn Tài nhanh chóng bước lên hàng kép chính. Năm 1963, ông đoạt HCV Giải Thanh Tâm với vai Điệp Nhứt Lang trong vở "Cát Dung Phương Tử".
Vào những năm 60-70 của thế kỷ trước, ông và NS Phượng Liên thực hiện hơn 400 đĩa vọng cổ, tuồng cải lương cùng hàng ngàn bài tân cổ, vì vậy mà báo giới đặt cho ông cái tên "Hoàng đế đĩa nhựa" và NS Phượng Liên là "Nữ hoàng đĩa nhựa".
"Thời đó, một ngày ông thu 5-6 bài, mỗi bài giá 12.000 đồng, tương đương giá một lượng vàng. Má tôi kể mỗi lần đi thu âm về ông giao tiền cho bà, lập tức bà ra chợ mua vàng để cất vào tủ. Sau này khi lập gánh hát, chính số vàng này đã giúp ba má tôi sắm âm thanh, cảnh trí, đồ hát để lập đoàn Tấn Tài - Như Ngọc" - danh hài Tấn Beo nhớ lại.
NS Tấn Tài có nhiều người nhưng chỉ có hai người con trai nối nghiệp ông và vợ (NS Như Ngọc) là danh hài Tấn Beo và NS hài Tấn Bo. Ông mất ngày 27-1-2011 vì nhiễm trùng đường mật.
Khán giả yêu mến ông luôn nhớ đến các vai diễn để đời như: A Li Khan (vở "Bóng hồng sa mạc"), An Lộc Sơn (vở "Chuyện tình An Lộc Sơn"), Quang Sơn (vở "Chiều đông gió lạnh về"), Chàng Gù (vở "Khi rừng mới sang thu"), Dương Khang (vở "Anh hùng xạ điêu"), Trương Vô Kỵ (vở "Cô gái Đồ Long"), Hoàng Điệp Phi (vở "Hẹn một mùa xuân"), Hàn Vũ Lang (vở "Manh áo quê nghèo")…
NS Tấn Tài trong vai An Lộc Sơn
Ông và NS Phượng Liên được khán giả yêu thích qua các vở: "Hai nụ cười xuân" và "Cô gái Đồ Long". Trong hàng ngàn bài ca cổ đã thu âm chung, NS Tấn Tài và Phượng Liên đã được khán thính giả yêu thích qua những bài, như: "Hãy quên nhau", "Áo cưới màu hoa cà", "Mất nhau rồi", "Áo trắng ngày xưa", "Rồi 20 năm sau", "Nhẫn cỏ trao em", "Nghẹn ngào", "Chuyến xe lam chiều", "Bên rặng ô môi", "Mộng Bá Vương", "Tâm sự Mộng Cầm"…
Quê của NS Phượng Liên ở Cần Thơ. Thuở nhỏ, Phượng Liên có chất giọng ngọt ngào, truyền cảm, nghe rất mùi mẫn.
Ban đầu, Phượng Liên tham gia đờn ca tài tử ở Ban cổ nhạc Tây Đô. Khi nghe Phượng Liên ngâm vài câu trong vở tuồng "Người vợ không bao giờ cưới" của Thành Được và Út Bạch Lan, NS Phước Hậu liền tìm đến tận nhà, xin ba mẹ cho cô học ca vọng cổ. Từ đó, Phượng Liên say mê học ca vọng cổ, có trí thông minh nên học rất nhanh, được đóng các vai đào con trên sân khấu các đoàn hát nhỏ.
NS Phượng Liên và Ngọc Giàu
Danh tiếng của cô đào 15 tuổi có giọng ca độc đáo đã nhanh chóng lan truyền đến các ông bà bầu sô. Khi về hát trên sân khấu đoàn cải lương Kim Chưởng, năm 1966, Phượng Liên đoạt HCV giải Thanh Tâm (cùng một năm với NS Phương Quang).
"Trên sân khấu cải lương Sài Gòn thời đó, NS Phượng Liên đã tham gia diễn nhiều đoàn, như: Tinh Hoa, Tuấn Kiệt (cùng Kim Ngọc, Phương Quang) và tới đoàn Kim Chưởng làm đào chánh. Phượng Liên cùng với Dũng Thanh Lâm đã nổi tiếng với các vở: "Tiếng hạc trong trăng", "Quỷ Bảo", "Mùa trăng và nước mắt"... NS Phượng Liên nhanh chóng trở thành hiện tượng khi thu âm với NS Tấn Tài. Và đến năm 1966, trong vở "Người nhạn trắng" cùng với NS Phương Quang, cô vinh dự được trao giải HCV triển vọng Thanh Tâm" - soạn giả Nguyễn Phương nhớ lại.
NS Phượng Liên và soạn giả Viễn Châu
Đến nay, rất nhiều những vở tuồng tạc vào tâm trí người xem về một Phượng Liên xứng danh ngôi sao qua các vở trên các sân khấu đại bang nổi tiếng như: Dạ Lý Hương, Bạch Tuyết Hùng Cường, Thái Dương, Sài Gòn 1... Đó là các vở: "Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga", "Lấy chồng xứ lạ", "Đời là một chữ tê", "Đời cô lẻ", "Ngao Sò Ốc Hến", "Lữ Bố Điêu Thuyền"...
Sau năm 1975, NS Phượng Liên tham gia các vở diễn nổi tiếng, được khán giả yêu thích như: "Chuyện cổ Bát Tràng", "Nỗi oan Thị Kính", "Qua cầu đắng cay", "Sân khấu về khuya", "Kim Vân Kiều", "Nửa đời hương phấn", "Gánh hát đêm xuân"…
Nói về sự tái hợp trên thị trường băng dĩa đem lại thành công cho sự nghiệp nghệ thuật của mình với NS Tấn Tài, NS Phượng Liên tâm sự: "Tôi quý anh Tấn Tài vì tính cách thẳng thắn, mô phạm. Xuất thân là nhà giáo nên anh từ tốn trong cách góp ý, hiếm khi thấy anh ấy giận ai và phê phán ai. Cứ đến hãng đĩa vào phòng thu là làm việc say mê. Biết quan tâm đến đồng nghiệp, ai khó khăn là anh giúp đỡ. Những năm tôi về ghé thăm anh, lúc đó nữ NS Như Ngọc đã qua đời, anh luôn nhắc đến những kỷ niệm đẹp khi đi hát chung sân khấu với tôi và nhất là thời gian chúng tôi thu âm cùng nhau. Vì hồi đó thu âm phải chuẩn xác từng nhịp, hễ ai hát trật thì phải thu lại từ đầu nên chúng tôi tập trung tinh thần cao độ lắm, dợt qua một - hai lần với ban nhạc cổ là thu ngay. Nhờ vậy mà chúng tôi rèn luyện được chất giọng, khám phá, sáng tạo nhiều cái mới để làm cho bài vọng cổ phong phú hơn. Tôi nhớ đến anh và luôn cảm ơn sự đồng hành đáng quý đối với một danh ca có làn hơi độc đáo mà công chúng đã tặng danh hiệu "Hoàng đế dĩa nhựa".
Bài và ảnh: Thanh Hiệp
Nguồn tin: tcgd theo NLĐ:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn