Chuyện cảm động về soạn giả Viễn Châu

Thứ tư - 06/11/2024 18:58
“Tôi chửi rủa cái ông Tỷ Cang nào đó có trái tim 9 lỗ để ả Đắc Kỷ đòi Trụ Vương phải mổ ngực lấy tim cho nó ăn. Tôi thầm trách thầy Bảy Viễn Châu sao lại làm khó tôi, cho ca thì cứ cho thu, việc gì phải bắt hiểu nội dung”.
Chuyện cảm động về soạn giả Viễn Châu

img
Các nghệ sĩ chúc thọ 89 tuổi soạn giả Viễn Châu (ngồi bên trái) tại Nhà hát TPHCM sáng 20-10Ảnh: Thanh Hiệp
Hơn nửa thế kỷ lao động sáng tác, thầy Bảy Viễn Châu có đôi mắt tinh tường và đôi tai thẩm âm rất tốt. Ngoài tôi may mắn được ông phát hiện và “đo ni đóng giày” nhiều bài ca cổ, còn có các danh ca: cố NSND Út Trà Ôn, NSƯT Thanh Nga, Hữu Phước, Kim Ngọc, nghệ sĩ Thành Được, NSƯT Ngọc Giàu, NSƯT Lệ Thủy, nghệ sĩ Hồng Nga, Phượng Liên, Mỹ Châu, Thanh Kim Huệ, Minh Cảnh, Minh Vương, Minh Phụng… Ông chỉ cần nghe chúng tôi ngâm thơ hoặc nói lối đã có thể biết làn hơi thích hợp với bài bản nào.
Bài vọng cổ đầu tiên
Tôi may mắn được thầy Viễn Châu tặng cho một bài ca cổ lúc tuổi đời còn rất trẻ. Thời đó, tôi chưa hiểu gì về cụm từ “đo ni đóng giày”, chỉ biết ông chủ hãng dĩa Việt Hải nhìn tôi có vẻ e dè: “Cậu này ca có nổi không mà anh Bảy chú ý quá vậy?”. Câu hỏi đó làm tôi lo sợ, đưa mắt nhìn thầy Viễn Châu. Hôm ấy, chiều trời mưa nhưng lưng tôi toát mồ hôi hột.
img
  40 học viên lớp đào tạo diễn viên trẻ Nhà hát Kịch Hồng Vân biểu diễn tốp ca Mừng thọ soạn giả Viễn Châu
“Thì anh cứ cho nó thu rồi biết” - thầy Bảy nói tỉnh rụi. Tôi vào phòng thu bỗng bị bàn chân ai chặn cửa: “Mày hiểu gì về bài ca chưa mà vào thu?”. Tôi bắt gặp ánh mắt dò xét của thầy Bảy. Thú thật dân quê chân ướt, chân ráo từ Dĩ An - Sông Bé lên Sài Gòn lập nghiệp, tôi đâu có cơ hội tìm hiểu kiến thức văn học nên đâu có biết gì về câu chuyện “mổ tim Tỷ Cang”. Thầy ký vào đầu tôi: “Ra ngoài kia đọc hết 6 câu vọng cổ của tôi rồi nói cho tôi biết cảm nhận của cậu như thế nào?”. biệt tài của thầy là viết ngay ở phòng thu. trước đó, anh Hữu Phước ca bài Nhớ mẹ cũng do hãng Việt Hải phát hành. Bên trong Hữu Phước ca 3 câu; bên ngoài thầy viết. Hữu Phước vừa ca dứt câu 3 thì thầy đã đẩy cửa đưa vào 3 câu còn lại. Tôi đọc và cố lý giải bài ca nhưng sự non nớt của tôi chỉ làm thầy cười. Tôi bị từ chối với một lời an ủi: “Về tìm hiểu tiếp đi, mai thu”.
img
NSƯT Phương Quang, NS Kiều Sương, NS Hồng Nga trong lễ mừng thọ soạn giả Viễn Châu
 
Tâm trạng tôi rối bời, suốt cả đêm không tài nào chợp mắt. Tôi tốc mùng chạy sang nhà bà bầu Kim Chưởng, nơi tôi đang ký hợp đồng biểu diễn, để cầu cứu. Bà bầu cười: “Cậu cảm ơn thầy Bảy đi, nhờ khó mới nên chuyện. Nghệ sĩ làm nghề mà không có kiến thức thì thiệt thòi cho mình và ảnh hưởng tới nghệ thuật chung của sân khấu”. Thầy dạy tôi: “Câu vọng cổ bi hùng, thống thiết nhưng có nhiều cách diễn đạt. Khi người ca hiểu thì sẽ sắp xếp cách thể hiện cho đúng”.
“Kép đen làm vua”
Về diễn xuất, tôi mang ơn những lời phê bình thẳng thắn của ông. Khi tôi đoạt HCV giải Thanh Tâm 1966 (cùng một năm với nghệ sĩ Phượng Liên), ông gặp tôi sau suất diễn vai nhà vua vở Mặt trời đêm. “Nè, mày làm vua chứ đâu phải là thằng ăn mày? Tập làm mặt cho sáng sủa lên, ra sân khấu đen thui ai tin mày là vua?”.
Tôi nổi tiếng với lời mắng yêu đó: “Kép đen làm vua”. Để rồi biết thế nào là nghiên cứu cách làm mặt, hóa trang để vào vai từng nhân vật. Thầy Bảy ít khen ai lắm, ông chỉ cười mỗi khi ai đó nói về thành tích của tôi. Ông bảo: “ngựa hơn nhau ở đường trường”. Còn tôi, đôi lúc cũng là con ngựa chứng. Năm, bảy tháng lưu diễn về lại Sài Gòn, nghe tin tôi sắm xe “Huê Kỳ” để nhập hội với Thành Được, Hùng Cường, Dũng Thanh Lâm… mỗi tối sau suất hát đi đánh bida tới sáng, ông tìm tới tận nơi: “Nghề hát dính vào tứ đổ tường là mày sắp tiêu rồi”.
 
img
NSƯT Phương Quang tặng thầy đóa hoa tươi thắm trong ngày mừng thọ 89 tuổi
        
Về khuya gác tay lên trán suy nghĩ, tôi rời “hội tứ quái Sài Gòn” trong sự ngỡ ngàng của các đàn anh. Thầy Bảy biết chuyện đã hài lòng về cách ứng xử của tôi trong cuộc sống. Qua thầy, tôi hiểu không việc gì không thể vượt qua, tất cả là ở ý chí của mình. Thời mới lên Sài Gòn, tôi vào đoàn hát làm quân sĩ, ngồi ăn cơm chung với anh em hậu đài, tôi lỡ tay chọc đôi đũa vào tô canh, bị đàn anh tát vào mặt: “Ăn uống không biết lễ độ”, rồi hắt đổ tô canh, nước mắt tôi tuôn trào. Sau này kể cho thầy Bảy nghe, thầy cười: “Phải cảm ơn cái bạt tai đó. Trong gánh hát nhìn vậy chứ có tôn ti trật tự. Người đi trước đỡ nâng người đi sau”. Rồi từ câu chuyện thành danh của tôi, thầy viết bài ca cổ Sau bức màn nhung.
Thầy viết và liên tục tích lũy chất liệu từ cuộc sống, từ bạn bè và từ sách. Gia tài 2.000 bài vọng cổ và 70 kịch bản cải lương là một di sản đồ sộ của sân khấu cải lương miền Nam. Tuần rồi, Phượng Liên ở Mỹ điện thoại về rủ tôi sang Mỹ làm show tri ân thầy Bảy. Tôi cười: “Phải làm ở trong nước trước đã. Hẹn gặp ở quê nhà”. Phượng Liên cười giòn tan khoe: “Thầy Bảy mới viết tặng tôi một bài ca cổ hay tuyệt vời”.
Vậy đó, dù đã 89 tuổi nhưng ngày nào thầy cũng ôm đàn và viết. Thầy dặn nhạc sĩ Trương Minh Châu - con trai thầy: “Ba chết, nhớ bỏ vô quan tài một mớ giấy, bút để xuống đó ba viết bài vọng cổ”. GS-TS Trần Văn Khê nghe câu chuyện này đã nói: “Anh Bảy không xuống địa ngục mà sẽ lên thiên đàng. Không chừng ảnh ghé qua thăm chị Hằng Nga rồi viết một bài vọng cổ tặng chị ấy”. Hai ông cười dung dị, nước mắt tôi tuôn dòng…
NSƯT Phương Quang
 
 
 

Nguồn tin: tcgd theo NLD

 Tags: trái tim

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Thăm dò ý kiến

Các bạn thích nghe hay xem cổ nhạc thể loại nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây