Không “đình đám” trong giới nghệ thuật như soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng, Kiên Giang, Điêu Huyền, nhưng ông cũng đã để lại trong lòng khán giả yêu mến cải lương với những tác phẩm nổi tiếng của mình như: Trăng nửa đêm, Thi nhân và mỹ nữ, đặc biệt là 2 tuồng cải lương Thuyền ra cửa biển và Kiếm sĩ dơi. Ông chính là soạn giả Yên Trang.
Nhà giáo làm nghệ thuật
Sinh ra trong một gia đình nông dân ở miền Tây, mặc dù không có ai theo nghệ thuật nhưng Yên Trang lại là một trong những người Long Xuyên (An Giang) nhận được sự ái mộ của khán giả khắp nơi bằng ngòi bút của mình. Ông là một soạn giả nghiêm túc trong công việc, đã góp phần không nhỏ cho việc phát huy sân khấu cải lương. Không chỉ viết kịch, tuồng, cải lương mà ông còn viết hàng loạt bài vọng cổ đã trở nên quen thuộc đối với nhiều người trong suốt một thời gian dài. Tên thật của ông là Dương Tái Phục, sinh năm 1934 tại Châu Phú, một vùng quê nghèo của An Giang. Năm lên 11 tuổi, ông tham gia hội Thiếu niên giải phóng rồi tham gia kháng chiến và bị bắt. Sau khi ra tù, ông lên Sài Gòn sinh sống và làm giáo viên trường tiểu học cùng với vợ của thi sĩ Nguyễn Bính. Trong lúc dạy học, ông được một người bạn của ba mình giới thiệu về làm báo tại khu 8 (chủ biên Hoàng Phố). Sau đó ông tập tành viết vọng cổ cho hãng đĩa Hoành Sơn với bút hiệu Yên Trang, rồi tiếp tục chuyển qua biên tập, thu âm cho hãng đĩa. Năm 1958, Yên Trang cho ra đời kịch bản đầu tay Trăng nửa đêm viết chung với soạn giả Phong Anh (Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng) được chuyển thể từ một kịch bản ngoại quốc đã tạo được chỗ đứng với khán giả thời bấy giờ. Từ đó cuộc sống của ông dần dần thay đổi, có nhiều cơ hội tiến gần tới nghệ thuật tuồng cải lương.
Yên Trang hoạt động trong nhiều lĩnh vực, nhưng cuối cùng ông cũng nhận ra sở trường của mình là sáng tác kịch bản cải lương và ông đã thành công lớn về loại hình này. Về vọng cổ ông có 50 đến 60 bài, riêng kịch bản tuồng cải lương, ông cũng cho ra đời trên 30 vở, đa số là những vở nổi tiếng và quen thuộc với khán giả. Vở đầu tiên mà ông tạo được ấn tượng trong lòng người mộ điệu là Thuyền ra cửa biển (1960) viết chung với soạn giả Phong Anh. Tác phẩm được viết từ một câu chuyện của văn học nước ngoài với nội dung: Lớp người đi trước phải noi gương, hy sinh cho thế hệ sau được thể hiện là một ông già nhường lại ngôi vua cho người con trai cai quản, còn mình đi thuyền ra biển chống giặc ngoại xâm. Tác phẩm nhanh chóng được khán giả đón nhận, nhiều đoàn cải lương thời bấy giờ dàn dựng. Ông nhớ lại: “Với vai diễn ông già, cố NSƯT Trường Xuân (Đoàn Kim Chưởng) đã thể hiện được nội tâm thương con hết mực, nhưng cũng cao độ về tính cương trực, cương quyết hy sinh vì con”.
Từ đó đến năm 1975 có rất nhiều vở như: Người mang sông núi (1967) viết chung với Yến Linh (em ruột của soạn giả Kiên Giang), Kiếm sĩ dơi , Thi Nhân và mỹ nữ, Nước chảy qua cầu, Người lính già Giao Chỉ… Nhiều tác phẩm để đời
Trong những tháng năm viết kịch bản tuồng cải lương, “Hầu như tác phẩm nào cũng được viết với tư tưởng là một công dân kể lại nỗi khổ, các câu chuyện thế sự trong cuộc sống và dựa trên tác phẩm đầy ắp tính thi vị lãng mạn của văn học. Vở Thuyền ra cửa biển và Thi nhân và mỹ nữ đã đón nhận được sự yêu quý của công chúng cũng bởi đặc điểm đó” - Ông thổ lộ. Và 2 tác phẩm trên cũng rất “ăn khách” lúc bấy giờ. Khi được tôi hỏi về tư liệu, những kịch bản cũ ông có còn lưu giữ, ông cho biết mình đã gặp xui bởi trong một lần cơ quan xảy ra đám cháy, lửa đã thiêu rụi hết tài liệu của ông. Thế nên, bây giờ đã 77 tuổi mà ông chỉ “lưu giữ” được đôi tác phẩm trong trí nhớ của mình. Và một trong những tác phẩm ông vẫn còn nhớ là Thi nhân và mỹ nữ được ông viết vào năm 1965. Đây là câu chuyện tình tay ba dựa trên điển tích về tình yêu giữa Dương Quý Phi - An Lộc Sơn - Lý Bạch được ông viết lại và thêm vào một nhân vật nữa đó là Lục Kiếm Hồng. Quý Phi vốn nhan sắc bình thường nhưng trong con mắt của Lý Bạch, nàng đúng là một người con gái “nghiêng nước nghiêng thành”. Vì mến mộ Quý Phi, nên mỗi khi Quý Phi đi ngang qua một địa điểm nào đó thì Lý Bạch liền viết những câu thơ lên lá cây để mô tả vẻ đẹp của nàng. Quý Phi từ đó nổi tiếng về tài sắc của mình qua những câu thơ Lý Bạch viết lại, được nhiều người trong giới giang hồ, đạo sĩ tìm kiếm. Và gian thần đã bắt nàng về cung để hầu vua. Lục Kiếm Hồng là một đạo sĩ, An Lộc Sơn là một tên cướp, cả 2 đều mê vẻ đẹp Quý Phi và cùng đến tìm Lý Bạch để nhờ mong ước được gặp nàng. Khi biết Quý Phi đã bị đưa vào cung thì cả 2 tìm mọi cách để vào cung. An Lộc Sơn từ một tên cướp khét tiếng đã đầu hàng vua để được làm con vua để tiếp cận Quý Phi, Lục Kiếm Hồng cũng vào cung vua và xin được ở cùng Quý Phi 1 đêm sau đó tự tử. Riêng An Lộc Sơn bị quần thần phản đối đem ra chế giễu, đã quay lại làm loạn cung thành. Nhà Đường phải dời ngôi, nàng Quý Phi thắt cổ tự tử. Kết thúc câu chuyện là sự hối hận và cảm thấy xấu hổ của Lý Bạch. Ông tự cảm nhận vì ông mà đất nước loạn lạc, ông uống rượu say và chết giữa đêm trăng sáng – sau này người đời thường gọi là “say rượu mò trăng chết” hay “ôm trăng chết”. Đang kể, chốc chốc soạn giả Yên Trang lại ngừng lại nhẩm hát những câu trong vở tuồng. Nói nhiều, rồi như nhớ ra, ông bảo: “Còn, còn một vở nữa cũng rất ăn khách mà khiến chú phải sửa đi sửa lại nhiều lần tên của vai kép chính là vở Người mang sông núi”. Rồi ông kể câu chuyện đề cao vai trò của văn nghệ sĩ thông qua một nhân vật là anh thợ xăm hình chữ “Sác thác” cho người lính ra trận với quyết tâm rất lớn, giống tựa câu nói “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” sau này. Ông không còn nhớ diễn viên đóng vai chính là ai, chỉ nhớ rằng vai chính ban đầu có tên Nông Cao rồi đổi thành Đan Khê và cuối cùng là Trần Phương. “Vở diễn đã đem lại những hạnh phúc về tinh thần cũng như vật chất cho tôi” ông bảo vậy. Bài, ảnh: Nguyên Hải
Sau giải phóng, soạn giả Yên Trang làm quản lý đoàn hát nên ông viết thưa dần. Đến năm 1994, ông về hưu. Hiện, ông sống cùng vợ là bà Thị Thanh Liên – thành viên câc lạc bộ ca cổ của phường. Mỗi khi đêm về, hay phút ngẫu hứng, ông nhẩm lại những câu trích trong các vở tuồng cho bà nghe cũng như cùng bà luận bàn về các bài ca cổ cải lương.