Tác phẩm “Tắt Lửa Lòng” và soạn phẩm “Lan và Điệp”

Chủ nhật - 12/08/2018 16:01
Thập niên 1940, soạn giả Tư Trang, tức Trần Hữu Trang đã dựa theo cuốn “Tắt Lửa Lòng” của Nguyễn Công Hoan để soạn thành vở ca kịch “Lan và Điệp”, đưa lên sân khấu, do cô đào Năm Phỉ đóng vai Lan, kép Tư Út đóng vai Điệp. Đôi nghệ sĩ tiền phong thượng thặng này đã mở đầu cho 2 nhân vật chính “Lan – Điệp” trở thành bất tử với thời gian.
L&Đ

L&Đ

Free Shipping on all orders over $75! Happy Halloween Sale
 

Vậy sau khi được đưa lên sân khấu rồi, Lan và Điệp còn bước sang bao nhiêu lãnh vực nghệ thuật khác nữa? Tôi xin trình bày sau đây, mời quí vị theo dõi...

Ăn khách

Nhận thấy tuồng “Lan và Điệp” quá ăn khách với nhiều đêm hát đông nghẹt khán giả, do đó đã làm động lực cho hãng dĩa hát Asia tìm đến soạn giả Tư Trang để thương lượng thu thanh dĩa hát. Đồng thời hãng cũng yêu cầu soạn giả viết ngắn lại, làm sao cho tuồng thu ít dĩa càng tốt. Bởi trước đó các bộ dĩa “San Hậu” và “Quan Âm Thị Kính”, bộ nào cũng trên 10 dĩa nên tiêu thụ chậm, khó bán.

 

tran-huu-trang-200.jpg
Soạn giả Trần Hữu Trang. Photo courtesy of cailuongvietnam.com.
Để đáp ứng yêu cầu của hãng dĩa, Tư Trang đã rút gọn tình tiết vở tuồng, bỏ bớt phần đầu nên Lan và Điệp chỉ thu thanh gọn trong 4 dĩa và đặt tên tựa là “Hoa Rơi Cửa Phật”.

 

Với bộ dĩa nầy soạn giả chỉ lấy đoạn sau, từ cảnh Lan vào chùa tu – Điệp tìm đến chùa giựt chuông – Lan ra mở cổng thấy Điệp, nàng không mở cổng.

Điệp kêu: 

Lan mở cổng cho anh vào. 

Không được! Anh về đi, đã hết rồi!

Nói dứt câu, Lan đi ngược trở vô chùa – Điệp tiếp tục giựt chuông liên hồi và Lan cắt đứt dây chuông.

Điệp thẩn thờ đành quay gót trở về. Cảnh này Tư Trang đã xử dụng bản ca “Chuồn Chuồn” cho Năm Nghĩa ca với lối vô đầu giống như vọng cổ (Năm Nghĩa là dưỡng phụ của nữ nghệ sĩ Thanh Nga).

Lan cắt dứt dây chuông, nàng ngất xỉu và phát bệnh luôn. Bệnh mỗi ngày một nặng thêm, thuốc thang đều vô phương cứu chữa. Cho đến một ngày kia Lan biết mình không còn sống được bao lâu nữa, nên nàng mới xin vị hòa thượng trụ trì chứng minh cho nàng trao gởi nỗi niềm tâm sự, có nghĩa là nói hết sự thật do đâu mà nàng đi tu. Đồng thời cũng nói cho vị hòa thượng biết rằng mình là gái tên thật là Nguyễn Thị Lan, đã giả trai và mượn tên Điệp để được nhận vào chùa.

Về phần vị hòa thượng thì nghĩ rằng, ông đã đi tu hơn 30 năm rồi, không còn muốn vương vấn, dính dáng gì đến chuyện thế gian, nên buộc lòng ông từ chối.

Nhưng đến lúc thấy bịnh tình của Lan trầm trọng, và lúc mê sảng thường kêu gọi ba tiếngVũ Khắc Điệp luôn. Nhớ lại sự việc trước đây Điệp đến chùa và Lan cắt dứt dây chuông, thì vị hòa thượng đã tìm ra giải pháp: Cho người đi mời Điệp đến thay thế ông đóng vai sư cụ, bằng cách cho Điệp mượn chiếc áo cà sa, giả làm hòa thượng vào hậu liêu chứng minh cho chú tiểu Huệ Minh trao gởi nỗi niềm tâm sự (Huệ Minh là pháp danh của Lan).

Khi chú tiểu Huệ Thông đưa hòa thượng, do Điệp giả dạng với chiếc áo cà sa mượn mặc vào. Huệ Thông nói:

Sư cụ đã nhận lời cầu xin của huynh Huệ Minh rồi. Vậy muốn trao gởi gì thì cứ nói.

Thế là Lan nói sự thật như trên đã nói, và cảnh nầy soạn giả Tư Trang đã xử dụng bản Nam Ai, nổi tiếng là bản ca diễn tả lúc buồn. Qua bản Nam Ai với lời ca, Lan kể sự thật xong thì hấp hối. Điệp vội vàng cởi chiếc áo cà sa ra rồi chạy tới ôm Lan:

Em Lan! Anh là Điệp đây!

Lan mệt nhọc nói tiếng còn tiếng mất:

Anh... Điệp. Kiếp nầy không hiệp... hẹn cùng anh theo kịp... em chờ!

Em Lan! Lan!

Lan thở hơi cuối cùng trên tay Điệp.

Đây là cảnh chót, cảnh xúc động nhứt, hàng vạn các bà, các cô đã rơi lệ ở cảnh nầy.

Kịch bản Lan và Điệp, soạn giả Tư Trang trao cho nghệ sĩ Năm Châu lúc gánh Việt Kịch Năm Châu còn hoạt động. Đầu thập niên 1960 Tư Trang vào mật khu, người ta không biết kịch bản này nằm ở đâu, và cũng không thấy Năm Châu dàn dựng trở lại vở hát này, bởi lúc ấy Ban Năm Châu chỉ lo việc chuyển âm phim.

Thêm thắt

 

lan-va-diep-200.jpg
Ca sĩ Phương Thanh và Minh Thuận trong "Lan và Điệp".
Lúc bấy giờ hầu hết các gánh hát bầu tèo, tức các gánh hát nhỏ ở miền quê, do không có kịch bản chính nên đã lấy bài ca và lời đối thoại trong dĩa Hoa Rơi Cửa Phật làm nền chính, và thêm thắt vào để hát tuồng Lan và Điệp. Tuy vậy tuồng vẫn hay, khán giả vẫn đi coi.

 

Có điều là đoạn đầu thì mấy gánh hát bầu tèo tùy tiện, viết sao cũng được, miễn là có cảnh Lan tiễn Điệp đi học – Điệp thi đỗ đạt bị gọi đến nhà quan Huyện, bị phục rượu say mèm và đem bỏ vô phòng Thúy Liễu – Cảnh Thúy Liễu hành tội mẹ chồng.

Các cảnh nầy, mấy gánh hát bầu tèo muốn xử dụng bản ca nào, câu đối thoại nào thì tự viết vào rồi cho nghệ sĩ tập tuồng. Xong cho hát, bởi có ai khiếu nại gì đâu.

Lại có cả bầu gánh ngang nhiên sửa đổi tình tiết câu chuyện mới thiệt là đáng trách hơn hết!

Vào khoảng 1962 có gánh hát bầu tèo (không nhớ gánh tên gì) hát ở Suối Cụt, Trảng Bàng, Tây Ninh. Thay vì đoạn cuối Lan chết, thì gánh này lại cho cô Lan sống, và được vị hòa thương cho rời chùa trở lại thế gian, về sống với Điệp và vãn hát.

Do thấy tuồng đã không đúng với sự hiểu biết của mình, nên sau khi vãn hát, một số khán giả đi ra hậu trường chất vấn ông bầu:

Ai cũng biết tuồng Lan và Điệp kết cuộc cô Lan chết, sao bữa nay cô Lan không chết mà lại về sống với Điệp, nghĩa là sao chớ?

Ông bầu đang ăn cháo lòng, nhậu rượu ba xi đế, đã trả lời:

Bộ mấy ông bà muốn cô Lan chết phải hôn?

Nhưng mà tuồng nó như vậy, tôi coi tuồng Lan và Điệp cả chục lần rồi, chỉ có lần nầy cô Lan sống mà thôi.

Được rồi! Ngày mai đi coi, tôi cho cô Lan chết...

Tóm lại có những vấn đề trên là do soạn giả đã không có mặt, bầu gánh muốn hát sao thì hát. Cải lương mà!

Dĩa “Hoa Rơi Cửa Phật” phát hành được bán khắp cùng từ Nam chí Bắc, bán cả bên Miên, trên Lèo và cả bên Pháp.

Vài tháng sau khi dĩa hát được phát hành phổ biến khắp nơi rồi, thì cuốn bài ca “Hoa Rơi Cửa Phật” cũng được ra đời đem bán các chợ lớn, nhỏ từ thành thị đến thôn quê. Chính nhờ những cuốn bài ca này mà ca sĩ tài tử đâu đâu cũng thấy, tạo thành một sinh hoạt đờn ca tài tử độc đáo ở miền Nam Việt Nam.

Ngành Mai - RFA

Nguồn tin: tcgd theo RFA


 
 Tags: lan, điệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

Công ty chủ quản
Chuyển giao diện: Tự động Máy Tính