Soạn giả Quy Sắc

Thứ sáu - 24/08/2018 07:34

QS

QS
Soạn giả Quy Sắc tên thật là Nguyễn Phú Quý, sanh năm 1924, quê quán tại tỉnh Thủ Dầu Một, nay là tỉnh Bình Dương. Anh Quý có bằng Thành Chung chương trình Pháp ở Saigon, năm 1943 khi quân đội Nhựt Bổn đến Sàigòn, anh nghĩ học trở về Thủ Dầu Một, làm giáo viên ở trường Tiểu Học của tỉnh.
AllianzTravelInsurance.com Deewatch Pure White

Từ một giáo chức

Đầu năm 1955 tôi gặp anh Quý trong nhà của ông Bầu Nghĩa, gần Sở Cảnh Sát Công Lộ ở đường Trần Hưng Đạo, đối diện với Sở Chửa Lửa đô thành Saigon. Anh Quý là gia sư, dạy học kèm cho Juliette Nga lúc đó cháu Nga được 13 tuổi.
Anh Quý biết tôi cũng học chương trình Pháp, từng làm công chức Sở Bưu Điện Saigon trước khi gia nhập đoàn hát hành nghề soạn giả nên sau những giờ dạy cho cô Juliette Nga học, anh thường trò chuyện cùng tôi. Anh muốn biết cuộc sống của soạn giả cải lương có thu nhập như thế nào, thuận lợi và khó khăn ra sao?
Tôi cho anh biết lương của soạn giả nếu có tiền bản quyền tác phẩm được trình diễn thì cao hơn lương của công chức hay giáo chức rất nhiều. Tuy nhiên nếu gánh hát nghĩ hát hay hát không ăn khách, nghệ sĩ và soạn giả phải lãnh phân nửa hay một phần tư số lương do đó cuộc sống bấp bênh chớ không như công chức, giáo chức có lương ổn định. Anh hỏi nếu tình trạng lương phạn như vậy, tại sao tôi bỏ không làm việc ở Sở Bưu Điện mà lại đi theo đoàn hát?
Tôi nói: khi mới bắt đầu thì vì tôi ham vui mà theo gánh hát nhưng sau này tôi khám phá ra niềm vui lớn nhất của tôi là sáng tác được một vở tuồng thành công. Khi khán giả và nghệ sĩ tán thưởng tác phẩm của tôi sáng tác thì đó là phần thưởng tinh thần rất quý giá. Không phải có nhiều tiền mà mua được cái phần thưởng đó. Thêm nữa khi theo nghề soạn giả, bắt buộc tôi phải đọc nhiều sách, học thêm nhiều vấn đề mà khi ở trường, tôi chưa được biết qua. Và sau hết là mình có thể thông qua các diễn viên để biến những sự suy nghĩ, những tưởng tượng của mình thành nhân vật và sự việc xảy ra trên sân khấu.
Anh Quý cũng đồng quan niệm như tôi. Anh cho biết anh làm giáo chức vì có ông chú họ sáng lập trường tư thục tại Saigòn. Ông chú của anh Quý chạy lo giấy tờ hợp lệ về sư phạm để cho anh được phép đứng lớp dạy học trò. Dạy trường của chú ít giờ quá, mỗi giờ lương chỉ được 50 đồng nên anh Quý phải dạy chạy tandem thêm nhiều trường khác mới đủ sống. Anh Quý đã dạy ở trường Phan Sào Nam, Giám đốc là ông Trần Văn Từ. Anh Quý còn dạy thêm ở trường Lê Tấn Thành ở đường Nguyễn Thái Học, nhà văn Quốc Ấn làm Giám Đốc, ông Lê Tấn Thành là sáng lập viên. Ông Lê Tấn Thành là anh hai của nữ nghệ sĩ Bảy Nam, cậu ruột của kỳ nữ Kim Cương.
Ngoài ra anh Quý còn nhận đến nhà dạy kèm cho học trò. Các học trò được anh Quý đến dạy kèm tại nhà có Juliette Nga, con của ông bà Bầu Nghĩa, có con trai của bác sĩ Hớn ở đường Nguyễn Thái Học, con trai của dân biểu Sanh…

Một soạn giả tài danh

Nhờ dạy cho Juliette Nga, anh Quý quen với ông Bầu Nghĩa, vào hậu trường sân khấu, xem hát và nghĩ đến việc sáng tác kịch bản cải lương. Tên soạn giả Quy Sắc bắt đầu từ đó. Quy Sắc hợp soạn với nhà thơ Kiên Giang tuồng Người Vợ Không Bao Giờ Cưới, vở tuồng đã đem đến huy chương vàng giải Thanh Tâm cho nữ nghệ sĩ Thanh Nga trong năm 1958.
Cậu Ba Đức, con của ông Năm Mạnh thay cha làm chủ hãng dĩa nhựa Asia, mời hai nghệ sĩ Hữu Phước và Út Bạch Lan thu thanh dĩa vọng cổ. Nghệ sĩ Hữu Phước giới thiệu soạn giả Quy Sắc với cậu Ba Đức.
Dĩa nhựa đầu tiên Quy Sắc viết cho Hữu Phước là dĩa Nắm Xương Tàn, kế đó Quy Sắc viết cho Út Bạch Lan bài vọng cổ Kiếp Hồng Nhan. Hữu Phước và Út Bạch Lan ca thu dĩa hai bài ca vọng cổ đó cho hãng Asia, cả hai dĩa hát nầy đều được thính giả ưa thích, dĩa được bán rất chạy, phải tái bản luôn.
Sau đó nữ danh ca vọng cổ Thanh Hương được mời về ca cho hãng dĩa Asia, soạn giả Quy Sắc viết bài Vọng cổ Cô Bán Đèn Hoa Giấy. Dĩa hát thành công lớn, tên tuổi của danh ca Thanh Hương qua bài vọng cổ Cô Bán Đèn Hoa Giấy được thính giả nhiệt liệt ái mộ. Báo Tiếng Dội kịch trường tổ chức trưng cầu ý kiến độc giả, nữ nghệ sĩ Thanh Hương qua bài ca vọng cổ Cô Bán Đèn Hoa Giấy được bầu là đệ nhất nữ danh ca vọng cổ. Phía nam ca sĩ thì nghệ sĩ Út Trà Ôn được bầu là đệ nhất nam danh ca vọng cổ.
Sau thành công lớn của bản vọng cổ Cô Bán Đèn Hoa Giấy, soạn giả Quy Sắc được hãng dĩa Asia ký contrat soạn giả độc quyền của hãng dĩa Asia, tiền thưởng contrat một năm là 5000 đồng, tiền bản quyền mỗi dĩa vọng cổ là một ngàn đồng, tuồng hát trên sân khấu mỗi tuồng cắt làm tám mặt dĩa, tiền bản quyền dĩa vọng cổ và in bài ca Quy Sắc nhận được tám ngàn đồng.
Tài chánh thu nhập hàng tháng của soạn giả Quy Sắc cao hơn rất nhiều so với số lương tháng của một giáo viên nên ông thầy giáo Nguyễn Văn Quý từ giã nhà trường và các học trò của ông, mang nghệ danh Quy Sắc để gắn bó trọn đời với sân khấu và nghệ sĩ.
Soạn giả Quy Sắc sáng tác nhiều tuồng cải lương được trình diễn trên sân khấu Thanh Minh Thanh Nga, Kim Chưởng như tuồng Người Vợ Không Bao Giờ Cưới hợp soạn với Kiên Giang, tuồng Khi Rừng Mới Sang Thu hợp soạn cùng soạn giả Loan Thảo, vở Trăng Thề Vườn Thúy hợp soạn với soạn giả Mộc Linh, tuồng Nghiệp Giáo.
Tuồng Khi Rừng Mới Sang Thu của hai soạn giả Quy Sắc và Loan Thảo là bản tình ca diễm lệ của nữ chúa Tọa Mã Sơn do nữ nghệ sĩ Mỹ Châu thủ diễn, vì lầm yêu Hoàng Phi Hải do Minh Phụng diễn, một trang mã thượng phong lưu nhưng lại là một tên gián điệp của triều đình khiến cho Tọa Mã Sơn bị quân triều đình tàn phá. Những người trung thành và yêu nữ chúa như chàng Gù, như đầu mục Tạ Tử Lăng do Thanh Sang diễn, đều trung liệt đến hơi thở sau cùng. Chủ đề của vở tuồng mang tính ẩn dụ, cảnh báo những ai tôn thờ tình yêu một cách mù quáng, xem nặng tình yêu hơn sự nghiệp thì dễ trở thành nạn nhân của những mưu đồ bẩn thỉu của bọn bán nước cầu vinh. Tình tiết sôi động hấp dẫn, văn chương trong sáng, đậm chất thơ, bài ca cổ nhạc đặt để đúng với tâm trạng của nhân vật , lại được các giọng ca ngâm tuyệt vời của các nghệ sĩ danh ca Mỹ Châu, Minh Phụng, Lệ Thủy, Thanh Sang, Diệp Lang, Kim Ngọc biểu diễn, góp phần thành công không nhỏ cho tác phẩm của hai tác giả Quy Sắc và Loan Thảo.
Soạn giả Quy Sắc là một trong những soạn giả cải lương có nhiều thành công lớn trong địa hạt dĩa nhựa cũng như trên sân khấu, có thu nhập rất cao, cuộc sống sung túc ổn định.

Biến cố 30 tháng 4

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đổ ụp đến, các hãng dĩa bị nhà nước tịch thu, các gánh hát bị giải tán. Các soạn giả cải lương của miền Nam bị cấm hành nghề 10 năm để cải tạo tư tưởng và học đường lối mới của cách mạng, tất cả các tuồng sáng tác trước 1975 không được hát lại, nguồn thu nhập của tất cả các soạn giả và nghệ sĩ bỗng bị cắt ngang, nghệ sĩ và soạn giả lâm vào cảnh thiếu đói trong khi đó trong tay không có nghề nào khác để kiếm sống ngoài cái nghề đờn hát trên sân khấu. Soạn giả Quy Sắc cũng như bao nhiêu bạn đồng nghiệp của anh phải bán tháo báo đổ những tư trang vật dụng đắt giá để sống cầm hơi. Khi có lịnh mở khóa giáo dục sáng tác kịch bản cải lương, các soạn giả Saigon cũ được triệu tập đi học. Ba tháng mãn khóa, trưởng khóa tuyên bố kết quả: không chọn được đề cương một tuồng nào chớ đừng nói chi kịch bản.
Sau đó vài tháng Sở Văn Hóa lại mở khóa giáo dục tư tưởng, xây dựng hình tượng con người mới…vân vân, rồi mãn khóa, rồi lại mở khóa, rồi mãn khóa, cứ như vậy mà mãi mãi không có soạn giả nào được chấp thuận có đề cương đúng theo đường lối cách mạng. Các soạn giả bị tẩy rửa tư tưởng tự do tư sản, bị nhồi nhét đường lối mới, tư tưởng mới như vậy suốt trong mười năm, cho đến năm 1986, ông Nguyễn Văn Linh tuyên bố cởi trói văn nghệ sĩ thì tất cả các soạn giả cũ đều già khú, không thể trở thành con người mới hay soạn giả mới. Soạn giả Quy Sắc là một trong những người bị dìm trong cái chánh sách đưa đến cái chết dần chết mòn, khó bề phản kháng.

Soạn giả Nguyễn Phương

 

Nguồn tin: Soạn giả Nguyễn Phương - RFA

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Thăm dò ý kiến

Các bạn thích nghe hay xem cổ nhạc thể loại nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây