"Ăn khế ta trả vàng... May túi ba gang, để dành mà đựng... Tang tình tính tang... ăn khế ta trả vàng... trả vàng...''. Mấy câu tân nhạc lồng vào bộ dĩa Ăn khế trả vàng (Thành Công - Bạch HUỆ đóng chính) được thể hiện bằng một giọng nam trầm rất lạ, đầy hấp lực. Vai con quạ của anh chỉ ngắn ngủi mấy câu ca, không có thoại thế mà dĩa bán rất chạy. Người ta mua dĩa để biết tên thật của người đóng vai con quạ. Một nghệ danh đẹp: Hữu Phước.

Hình trái: Hữu Phước - Hương Lan; Hình phải: Hữu Phước - Út Trà Ôn
Anh sinh ra tại Sóc Trăng, quốc tịch Pháp (cha anh thuộc ngành tư pháp trước năm 1954). Con quạ hào phóng chi vàng để ăn khế thì vận may lập tức đến với anh bằng những lời mời thu dĩa, ca diễn cải lương đài phát thanh. Sau khi đoàn Kim Thanh của bộ tứ ÚT Trà ÔN - Thanh Tao – Thúy Nga - Kim Chưởng giải tán, NS Kim Chưởng thành lập bảng hiệu mới Kim Chưởng - Thanh Hương với cặp đào kép đang lên Thanh Hương - Hữu Phước. Đêm khai trương náo nhiệt chưa từng có.
Cả biển người chen lấn, náo nức mong được thưởng lãm hai ngôi sao danh ca mới Hữu Phước - Thanh Hương. Cả hai đều có thế mạnh về ca, kẻ tám lượng người nửa cân. Nhưng riêng Hữu Phước, diễn xuất chưa cân xứng với ca. Vai chính độc bi Đồng Phong Cơ của anh (vở Nụ cười đã tắt trên môi tím) chỉ thỏa mãn thính giác hơn phần thị giác nơi công chúng. Khi Hữu Phước về đoàn Thanh Minh đóng cặp với ÚT Bạch Lan và Thanh Nga trong Người vợ không bao giờ cưới, Thanh Nga có bước đột phá nhờ cô Hai Kim Cúc truyền thụ, thì nhà báo Trần Tấn Quốc khen Thanh Nga xuất thần; còn Hữu Phước thì hát (ca) cải lương. Lời phê của báo khéo sao lại vận vào cuộc cải cách của bà bầu Thơ về việc thống nhất hai trưởng phái CA - DIÊN thành một chỉnh thể Thật và Đẹp.
Hữu Phước đã chuyển động tư tưởng theo đường lối tích cực, rèn luyện kỹ năng diễn xuất để củng cố vị thế, quyết không tụt hậu. không phải học ở đâu xa; sân khấu Thanh Minh đãi sĩ chiêu liền, quy tụ những ngôi sao thương thặng bậc thầy Năm Châu, Ba Vân, Tám Vân, phùng Há, Kim Cúc, Ba Thanh Loan, Năm Sa Đéc v.v... cùng thi thố những vở diễn, vai diễn kinh điển; Hữu Phước và các diễn viên trẻ tha hồ học hỏi. Hữu Phước có sự tiến bộ rõ nét qua vai Công (Nửa đởi hương phấn), Hà Lâm (Người đẹp Bạch Hoa thôn). Diễn xuất nội tâm qua tình huống kịch đúng và hợp lý hỗ trợ đắc lực phần ca.
Bất ngờ nhất là vai cậu Tư Kiên (Con gái chị Hằng). Nếu ÚT Bạch Lan gây cơn sốt với kịch giới và báo chí bằng vai Hương của Nửa đời hương phấn trước đó thì cậu Tư Kiên là vai diễn đưa Hữu Phước lên đài vinh quang. Cậu Tư Kiên trong vóc dáng dung diện trung niên, tóc búi củ hành tây. Đó là cái đầu tóc giả được đính vào tóc thật của diễn viên bằng rất nhiều cây ''''xẹc'''' (kẹp nhỏ), bởi nửa thế kỷ trước, công nghệ tóc giả còn ở dạng thô sơ. Cậu tư mặc bộ bà ba đen cũ, bước đi hai hàng, chân mang guốc dông, miệng bập bập điếu thuốc rê vấn bằng tay. Mới bẹo hình, khán phòng đã giòn giã tiếng cười, đó là liều thuốc quý gây men hưng phấn cho nghệ sĩ.
Trên sân khấu hiển hiện một anh lái heo từ Long Xuyên theo xe heo lên Chánh Hưng, nhân tiện ghé thăm chị Hằng và cháu Trinh, đúng. lúc bi kịch người chị và đứa cháu gái nổi lên như cơn cuồng vũ. Cốt nhục tình thâm không cho phép Tư Kiên im lặng. Cậu đã hết hơi cạn lời với đứa cháu tôn thờ lòng vị kỷ (danh dự, tình yêu), hủy hoại tình mẫu tử thiêng liêng mà nguyên cớ là do người anh rể điêu ngoa xảo trá. Hỉ, nộ, bi, hận, nhân vật Tư Kiên được Hữu Phước hóa thân cực kỳ hoàn hảo, chi li đến từng nét diễn, tuyệt diệu đến từng ca từ. Khán phòng sôi động với tiếng cười, tràng pháo tay cổ vũ.
Khán phòng nóng lên qua những cao trào mâu thuẫn giữa các nhân vật. Khán phòng lặng đi trong uất nghẹn khi chị Hằng (ÚT Bạch Lan) và cậu Tư Kiên (Hữu Phước) não nùng bi thiết những câu vọng cổ kinh điển để đời từ độ sâu truyền cảm đến kỹ thuật xử lý ca từ qua nhịp trường canh chắc nịch. ÔI! Lớp diễn cuối của vở kết thúc cuộc đời lầm lạc đáng thương của chị Hằng, Hữu Phước đã để lại dấu ấn vàng son nơi trang sử kịch gần như không thể lặp lại (vai Tư Kiên). Kể từ bước ngoặt ấy, Hữu Phước xứng đáng sánh vai cùng những tài danh hàng đầu. Và chẳng bao lâu sau, anh đạt giải Thanh Tâm: Diễn viên Xuất sắc Đã đắt hợp đồng thu băng dĩa, Hữu Phước càng đắt lời mời hơn sau những bước thăng hoa; bởi vì rõ ràng kỹ năng diễn xuất tốt đã tôi luyện giọng ca anh sâu lắng, truyền cảm, sinh động hơn.
Diễn và ca đã hòa tan vào máu thịt, tâm não nghệ sĩ đậm đặc đến độ mỗi khi vận dụng để hành nghề, vốn quý tự nhiên hiển thị thành tuyệt kỹ ''''diễn trong ca, ca trong diễn''''. Những vở diễn đặc sắc của đoàn Thanh Minh được thu hình, thu dĩa đều có ghi tên Hữu Phước đứng đầu danh sách diễn viên đã đành; mà cả đến nhiều vở khác khi thu dĩa cũng ít khi thiếu vắng tên anh. Khó thể thống kê, nhưng có thể kể những bộ dã hay: Ảo ảnh Châu Bích Lệ, Nửa bản tình ca, Nắm cơm chan máu, Con gái chị Hằng, Nửa đời hương phấn, ÁO cưới trước cổng chùa, Hoa Mộc Lan, Ni cô Diệu Thiện, Người vợ không bao giờ cưới, Người đẹp Bạch Hoa thôn, Tình cô gái Huế, Nắng chiều trên sông Dịch v.v... và các bài ca lẻ đặc sắc như Nhớ mẹ, Đội gạo đường xa, ÁNH trăng sau mành trúc (ca với Thanh Hương), Tình là dây oan (với Thanh Nga), Tàu đêm năm cũ, Trang Tử thử vợ v.v... Chất giọng anh không tốt như cô ái nữ Hương Lan nhưng dễ cảm, có chất bi.
Anh ca vọng cổ câu 1, câu 2 dứt song lang nhịp 32 với hơi ngân đổ hột như ca sĩ tân nhạc chuyên nghiệp, minh chứng công phu khổ luyện. Cũng do đó, lại nhờ bẩm sinh thiên phú, anh sở hữu một kỹ thuật ca vọng cổ vào bậc thượng thừa. Nếu nhạc giới từng ca ngợi lối ca vọng cổ của Thanh Hương, Chín Sớm là nhảy múa trên chữ đàn thì cách ca của Hữu Phước là đua tốc độ với khung nhạc. Đàn dãy lơi anh đua theo lơi; đàn thúc đua theo thúc; đua bất cứ nhịp nào trong lòng câu.
Nhưng đặc sắc nhất là 8 nhịp chót mỗi câu sau tiếng ''''cốp'''' của song lang đầu, người nghe hồi hộp khi anh xả tốc độ chạy chữ, dồn chữ, nhảy lót đầy gay go với cung đàn mà khoái cảm cực cao cho người nghe khi song lang và ca từ cùng song phì đúng nhịp song lang chính xác như đổ khuôn. Ta có thể tham khảo dẫn chứng sau đây, bài Tiếng quyên sầu của soạn giã Thu An, câu tâm sự Phan Thanh Giản: ''''Tiếng gà đã gáy đầu thôn, thần không còn can đảm nhìn ánh mặt trời lên để thấy giặc chiếm luôn ba tỉnh cho nên thần mới xin vĩnh biệt long nhan bằng chung thuốc độc cuối cùng''''; 38 ca từ chạy đua 8 nhịp, đàn thúc, Hữu Phước chỉ dùng duy nhất một hơi chạy đều, dứt song lang một cách tài tình.
Lối ca này ta có thể nghe ở lớp cuối của hai bộ dĩa Con gái chị Hằng và Ảo ảnh Châu Bích Lệ. Cha sinh Dạ cổ hoài lang – bác Sáu Lầu - đã từng tán đồng nhận xét của nghệ nhãn Tư Sạng (Bạc Liêu) rằng: 50 năm trước, 50 năm sau e không tìm được một tài năng vọng cổ như Hữu Phước. Phát ngôn này được nghe vào đầu thập niên 60 (thế ky XX); 50 năm trước tức từ 1960 ngược về 1910, quả thật chẳng thấy ai. Năm mươi năm sau, kẻ ái mộ sâu xa nghệ thuật CL như tôi trông đợi, đợi trông từ tuổi thanh niên đến gần thất thập, đã gần trọn nửa thế kỷ, thế mà ''''kẻ ấy” còn biền biệt phương nào trong sự khát khao nhận diện để tôn vinh chuyện kế thừa một tài hoa trong nghệ thuật cải lương. Chưa hết hạn kỳ 50 năm, tôi vẫn còn chờ... Nhưng e rằng "tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả''''.
(Theo Báo sân khấu)